CÕI RIÊNG

"Một mảnh tình riêng ta với ta"

Incoterm 2010

CIF, POB, CFR...

Thực tế, các nhà xuất khẩu khập đã quá quen thuộc với Incoterms 2010 và đặc biệt là với FOB, CIF và CFR. Ngoài ra đối với hàng hóa được vận chuyển theo phương thức vận tải đa phương thức công – ten – nơ thì các điều kiện thương mại FCA, CPT và CIP cũng thường được sử dụng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chủ yếu phân tích về các điều kiện FOB, CIF và CFR và giới thiệu qua về FCA, CPT và CIP.


1. FOB (Free on board – Giao hàng lên tàu)

Điều kiện FOB (viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh “Free on Board” dịch sang tiếng Việt là “Giao hàng lên tàu”) có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa đã qua lan can tàu tại cảng bốc hàng chỉ định. Vậy quy định như thế này có ý nghĩa gì trong việc phân bổ chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

1.1. Ranh giới phân định rủi ro – Lan can tàu

“Lan can tàu” là ranh giới được sử dụng lâu đời trong tập quán thương mại quốc tế để phân định rủi ro vì nó rõ rang, dễ hiểu và dễ chấp nhận. “Lan can tàu” là ranh giới phân định rủi ro được hiểu như sau:

- Bên bán phải chịu mọi rủi ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hóa cho tới thời điểm hàng hóa qua lan can tàu tại cảng bốc hàng chỉ định.

- Bên mua chịu mọi rủi ro về mất mát hoặc hư hại đối với hàng hóa kể từ thời điểm hàng hóa qua lan can tàu tại cảng bốc hàng chỉ định.

Các trường hợp thông thường thì cứ chiếu theo qui tắc trên để phân chia rủi ro, tuy nhiên trong trường hợp sau đây thì rủi ro sẽ được phân chia như thế nào:

a) Bên mua không thông báo cho bên bán về tên tàu, điểm bốc hàng và/hoặc thời gian giao hàng vào ngày đã xác định hoặc ngày cuối cùng của thời hạn đã xác định.

b) Tàu của người mua chỉ định không đến đúng thời hạn hoặc không thể nhận hàng hoặc đình chỉ xếp hàng trước thời hạn đã được thông báo cho bên bán

Trong trường hợp này rủi ro sẽ được xác định như thế nào? Đối với các trường hợp trên, thời điểm chuyển rủi ro được xác định từ ngày xác định hoặc ngày cuối cùng của thời hạn xác định cho việc giao hàng.

Trong thực tiễn, có trường hợp bên mua lại ủy thác cho bên bán thuê tàu, thì thời điểm chuyển giao rủi ro có thể được bên bán châm chước, tuy nhiên về mặt nguyên tắc bên mua vẫn phải chịu vì việc chuẩn bị tàu là nghĩa vụ của bên mua. Nếu bên bán không thuê được tàu thì bên mua vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc không thuê được tàu.

1.2. Vấn đề phân bổ chi phí

Theo điều kiện FOB thì rõ ràng bên bán không phải chịu chi phí mua bảo hiểm, chi phí thuê tàu, các chi phí phát sinh kể từ thời điểm hàng qua lan can tàu. Như vậy, bên mua sẽ phải chịu chi phí về thuê tàu, các chi phí phát sinh kể từ thời điểm hàng qua lan can tàu. Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến hàng hóa cho đến khi hàng qua lan can tàu sẽ do bên bán chịu.

Thực tế trong một số hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có thể thỏa thuận mở rộng điều kiện FOB (thực chất là xác định chi phí bốc xếp hàng do ai chịu)?

FOB Liner Terms: Bên bán không chịu chi phí bốc xếp.

FOB Under Tackle: Bên bán đưa hàng tới chỗ cẩu hàng lên tàu chỉ định, bên mua chịu chi phí cẩu hàng vào khoang và những chi phí khác.

FOB Stowed: Bên bán phụ trách xếp hàng vào khoang và chịu chi phí bốc xếp bao gồm cả chi phí thu dọn khoang (sắp xếp và chỉnh lý sau khi đưa hàng vào khoang).

FOB Trimmed: Bên bán chịu chi phí bốc xếp bao gồm cả chi phí chỉnh đốn khoang (chỉnh đốn ngay ngắn hàng hóa lộn xộn khi bốc hàng vào khoang).

1.3. Lưu ý về điều kiện FBO trong UCC của Hoa Kỳ (FOB Bắc Mỹ)

Điều kiện FOB Bắc Mỹ có hai loại chính là FOB nơi bốc xếp và FOB nơi đến.

Nếu áp dụng FOB nơi bốc xếp (the place of shipment) thì người bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển và chịu mọi chi phí và rủi ro cho đến khi hàng được giao cho người vận chuyển tại cảng bốc xếp.

Còn theo FOB nơi đến (the place of destination) thì người bán phải chịu rủi ro cho đến khi hàng được giao cho bên bán tại nơi đến. Đây là một điểm khác biệt so với FOB trong Incoterms 2000. Do vậy nếu áp dụng FOB Bắc Mỹ cần lưu ý ghi rõ là FOB nơi bốc xếp hay FOB nơi đến.

Ngay cả trường hợp sử dụng FOB nơi bốc xếp, cũng cần ghi rõ trong điều kiện thương mại phương tiện vận tải, nếu bên mua yêu cầu giao hàng trên tàu tại cảng bốc xếp. Ví dụ FOB Vessel San Francisco. Nếu không bên bán sẽ giao hàng trên phương tiện vận tải nội địa tại San Francisco.

Nói tóm lại, điều kiện FOB là điều kiện mà bên mua (bên nhập khẩu) chủ động thuê tàu và chấp nhận rủi ro đối với hàng hóa kể từ thời điểm hàng vượt qua lan can tàu tại cảng bốc xếp. Về mặt lợi ích kinh tế, áp dụng điều kiện FOB sẽ có thể giúp bên nhập khẩu giảm giá thành hàng hóa (vì có thể thuê được tàu với giá cả hợp lý) nhưng đổi lại họ phải chấp nhận những rủi ro như đã phân tích.

2. Điều kiện CIF

Điều kiện CIF (viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh “Cost, Insurance and Freight” dịch sang tiếng Việt là “Tiền hàng, bảo hiểm và cước vận chuyển”) được hiểu là người bán giao hàng khi hàng qua lan can tàu tại cảng bốc xếp hàng hóa (cảng gửi hàng).

Lưu ý khi sử dụng điều kiện CIF thì sau điều kiện này cần ghi rõ cảng đến (cảng đích). Ví dụ CIF – cảng Hải Phòng, có nghĩa rằng cảng đến là cảng Hải Phòng.

2.1. Chuyển giao rủi ro và phí tổn

Cũng giống như điều kiện FOB, theo tinh thần của điều kiện CIF, bên bán có nghĩa vụ giao hàng tại cảng bốc xếp chứ không phải tại cảng đích. Như vậy, rủi ro sẽ được chuyển giao từ bên bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa qua lan can tàu tại cảng bốc xếp (cảng gửi hàng). Kể từ thời điểm hàng hóa qua lan can tàu tại cảng bốc xếp, những chi phí ngoài chi phí vận chuyển, chi phí mua bảo hiểm thông thường từ cảng bốc xếp đến cảng đích sẽ do bên mua gánh chịu. Bên bán sẽ chịu chi phí liên quan đến hàng hóa trước thời điểm hàng hóa vượt qua lan can tàu tại cảng bốc xếp, thuế xuất khẩu, lệ phí xin phép xuất khẩu và các chi phí nhà nước khác liên quan đến thủ tục xuất khẩu. Thuế nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu và chi phí liên quan sẽ do bên mua gánh chịu.

2.2. Vấn đề bảo hiểm

Xét về cơ cấu giá thành thì trong giá thành của hàng hóa đã có phí bảo hiểm, xét về trách nhiệm thì đây thuộc trách nhiệm của bên bán. Tuy nhiên, loại bảo hiểm nào, phạm vi ra sao… sẽ cần được các bên xác định cụ thể trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thì sẽ áp dụng mức bảo hiểm tối thiểu theo qui định của các điều khoản bảo hiểm hàng hóa của Hiệp hội những người bảo hiểm Luân Đôn hoặc bất kỳ nhóm điều khoản nào tương tự. Mức bảo hiểm tối thiểu phải bao gồm tiền hàng qui định trong hợp đồng cộng với 10% (nghĩa là 110%) và phải được mua bằng đồng tiền dùng trong hợp đồng mua bán.

Trong thực tế nếu bên mua yêu cầu và trả chi phí thì người bán sẽ mua bảo hiểm đối với rủi ro chiến tranh, đình công, bạo động và dân biến nếu có thể mua được.

2.3. Vấn đề thuê tàu

Theo điều kiện CIF, bên bán chịu trách nhiệm thuê tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng bốc xếp đến cảng đích. Trong hợp đồng các bên cần làm rõ về loại, quốc tịch, tuổi, đặc tính, chất lượng của tàu, thời gian vận chuyển, lịch và lý trình vận chuyển… Như vậy, bên bán sẽ thực hiện nghĩa vụ thuê tàu vận chuyển theo đúng quy định của hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, thì bên bán sẽ thuê tàu theo điều kiện thông thường để chuyên chở hàng hóa tới cảng đến qui định theo tuyến đường thông thường bằng một con tàu loại thường dùng để chuyên chở hàng hóa của hợp đồng. Chi phí thuê tàu do bên bán gánh chịu.

2.4. Vấn đề chi phí dỡ hàng

Hợp đồng ký kết theo điều kiện CIF, bên bán chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đến cảng đích, đồng thời chi trả những chi phí thông thường. Tuy nhiên, khi hàng đã đến cảng đích thì ai chịu chi phí dỡ hàng thì cần phải thỏa thuận cụ thể. Thông thường nếu thuê tàu tuyến thì chi phí dỡ hàng nằm trong cước phí vận chuyển nhưng nếu thuê tàu vận chuyển thì chi phí dỡ hàng do ai chịu cần được các bên làm rõ. Các bên thường bổ sung thêm một số thỏa thuận về việc phân bổ chi phí này như sau:

- CIF Liner Terms (điều kiện tàu tuyến): Bên bán hoặc bên vận chuyển chịu chi phí dỡ hàng.

- CIF Landed (dỡ hàng lên bờ): Bên bán chịu chi phí liên quan tới dỡ hàng lên bến bao gồm chi phí xà lan và chi phí bến.

- CIF Ex Ship’s Hold (giao nhận ở đáy khoang): Bên mua chịu chi phí dỡ hàng từ đáy khoang tàu lên tới bến.

Việc bổ sung này không làm ảnh hưởng đến địa điểm giao hàng và ranh giới phân định rủi ro của điều kiện CIF.

3. Điều kiện CFR

Điều kiện CFR được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, điều kiện này áp dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa.

Như điều kiện FOB và CIF, CFR cũng là điều kiện giao hàng tại cảng bốc xếp (cảng gửi hàng). Theo đó, người bán chịu trách nhiệm, bằng chi phí của mình, đưa hàng tới cảng bốc xếp chỉ định và hoàn thành việc giao hàng khi hàng đã vượt qua lan can tàu tại cảng bốc xếp.

Về thời điểm chuyển rủi ro thì, mọi rủi ro về mất mát, hư hại đối với hàng hóa cũng như mọi chi phí phát sinh them do các tình huống xẩy ra sau thời điểm giao hàng được chuyển từ người bán cho người mua khi hàng vượt qua lan can tàu.

Tuy nhiên, khác với điều kiện FOB và tương tự điều kiện CIF, bên bán chịu trách nhiệm, bằng chi phí của mình, thuê tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng bốc xếp đến cảng đích. Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì hợp đồng vận tải sẽ được ký kết với điều kiện thông thường, với tuyến đường thông thường bằng tàu thuê là tàu đi biển hoặc tàu chạy đường thủy nội địa (tùy từng trường hợp) loại thường dùng để chuyên chở hàng hóa của hợp đồng.

Nhưng điều kiện CFR có điểm khác với điều kiện CIF, trong điều kiện CFR, bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm vận chuyển hàng hóa từ cảng bốc xếp đến cảng đích.

4. Điều kiện FCA, CPT và CIP

Trong thương mại quốc tế, người ta gọi các điều kiện này là các điều kiện thương mại giao hàng cho người vận chuyển.

4.1. FCA (Free Carrier… named place) – Giao hàng cho người vận chuyển tới địa điểm chỉ định

Theo điều kiện này, người bán sau khi hoàn thành thủ tục thông quan xuất khẩu, giao hàng cho người vận chuyển do người mua chỉ định, tại địa điểm qui định. Địa điểm giao hàng có ảnh hưởng đến nghĩa vụ bốc và dỡ hàng. Nếu giao hàng tại cơ sở của người bán thì người bán có nghĩa vụ bốc hàng. Nếu giao hàng tại địa điểm khác thì người bán không có trách nhiệm dỡ hàng.

Địa điểm giao hàng cũng ảnh hưởng đến thời điểm chuyển giao rủi ro và phí tổn:

- Nếu giao hàng tại cơ sở của người bán: rủi ro và phí tổn phát sinh thêm kể từ thời điểm hàng được bốc lên phương tiện vận tải do người vận chuyển được chỉ định bởi người mua hoặc một người khác thay mặt người mua đưa tới.

- Nếu giao hàng tại nơi ngoài cơ sở của người bán: rủi ro và phí tốn phát sinh them kể từ thời điểm hàng được đặt dưới quyền định đoạt của người người vận chuyển được chỉ định bởi người mua hoặc một người khác thay mặt người mua đưa tới hoặc người chuyên chở do người bán chỉ định (nếu người mua yêu cầu người bán chọn người chuyên chở) mặc dù hàng vẫn chưa được dỡ khỏi phương tiện chuyên chở của người bán.

Điều kiện FCA phù hợp với mọi phương thức vận tải kể cả vận tải đa phương thức.

4.2. Điều kiện CPT (Carriage paid to… named place of destination) – Cước phí đã trả tới địa điểm đích chỉ định

Theo điều kiện này, người bán giao hàng cho người chuyên chở do chính người bán chỉ định bằng chính chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới nơi đến quy định. Nếu có những người chuyên chở tiếp sau người chuyên chở đầu tiên để chuyên chở hàng hóa tới nơi đến qui định, thì việc giao hàng hoàn thành khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở đầu tiên. Như vậy, thời điểm chuyển rủi ro và phí tổn phát sinh thêm là thời điểm hàng hóa được giao cho người vận chuyển hoặc người vận chuyển đầu tiên nếu có những người vận chuyển tiếp sau.

Điều kiện này được sử dụng cho mọi phương thức vận tải, kể cả vận tải đa phương thức.

4.3. Điều kiện CIP (Carriage and insurance paid to… named place of destination) - Cước phí và bảo hiểm đã trả tới địa điểm đích chỉ định

Theo điều kiện này, người bán giao hàng cho người chuyên chở do chính người bán chỉ định bằng chính chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới nơi đến qui định. Ngoài ra, người bán còn phải mua bảo hiểm để người mua hoặc bất kỳ người nào khác có lợi ích từ hàng hóa được bảo hiểm, có quyền kiện đòi bồi thường trực tiếp từ người bảo hiểm. Nếu không có thỏa thuận khác thì người bán chỉ phải mua bảo hiểm với phạm vi tối thiểu.

Người mua sẽ chịu mọi rủi ro và các phí tổn phát sinh them kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao cho người chuyên chở. Nếu có những người chuyên chở kế tiếp được sử dụng để vận chuyển hàng hóa tới nơi đến thỏa thuận, thì rủi ro chuyển giao khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở đầu tiên.

Điều kiện này được sử dụng cho mọi phương thức vận tải, kể cả vận tải đa phương thức.

Nguồn: Bản tin Thương mại Thủy sản các số 38, 39 và 40