Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò...sung chát...đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Nguyễn Duy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 Nhận xét:
Thơ viết về đề tài người mẹ của các thế hệ, các dân tộc từ xưa đến nay nhiều không kể xiết. Bởi lẽ: Công cha "như núi Thái Sơn" nhưng còn định lượng, đo đếm được, còn "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" thì biết bao giờ cho cạn...
Cách đây hơn 3000 năm đã có thơ nói về người mẹ được Khổng Tử (551 - 479 TCN) chép lại trong bộ "Kinh Thi" về "đức cù lao" - công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con gái.
Trong "Chín chữ cù lao" thì "sinh ngã" (sinh đẻ ra) và "cúc ngã" (cho bú mớm) là thiên chức của người mẹ.
Bà thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là nỗi nhớ cảm động của người con về mẹ trong quá trình sinh thành dưỡng dục.
Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Duy đấy đắp hoài niệm về người mẹ mà nguyên mẫu là bà ngoại.
Nhà thơ bộc bạch: "Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về người mẹ trong bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" chính là hình ảnh bà ngoại tôi hồi đó... Những đêm hè trời trong, gió mát bà tôi thường trải manh chiếu cói trên mặt đê sông Mã. Cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện "Hằng Nga", chuyện "thằng cuội ngồi gốc cây đa/để trâu ăn lúa...", chuyện ngụ ngôn nào đó, hoặc là đếm "một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng...".
Mở đầu bài thơ khởi nguồn cho nỗi nhớ mẹ của tác giá từ một thời điểm gợi cảm (về đêm) và một không gian đậm đặc tâm linh (khói nhang, hương của loại hoa chuyên thờ cúng - hoa huệ).
Hình ảnh người mẹ hiện về cùng bao kỷ niệm thân thương. Đó là người mẹ nghèo, nơi đồng quê, rơm rạ với "nón mê", "váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa" cùng với câu ca mẹ hát ru: "cái cò lặn lội bờ sông"...
Những kỷ niệm tuổi thơ biến thành nỗi nhớ ở mỗi con người đều gắn với những hình ảnh, việc làm cụ thể mang tính trực cảm.
Nhà thơ nhớ tới mẹ mình không chỉ là lời ru mà còn qua đồng quà tấm bánh, "trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm" - những món quà quê như nhà thơ tâm sự cùng bạn đọc: "đã trở thành những miếng ngon tột đỉnh trong đời".
Sự hy sinh, đùm bọc đứa con của mẹ gắn với những hành động yêu thương rất đỗi bình thương, cụ thể: chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con và "Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương". Hình ảnh những đêm hè được mẹ trải chiếu ở sân, vườn, bờ đê trên những thảm cỏ mát rượi nằm ngắm bầu trời, đếm sao, nằm nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội... là hình ảnh thân quen của bao người...
Bài thơ neo đậu theo dòng thời gian trong lòng bạn đọc những cảm xúc thơ mà ai đọc cũng cảm thấy "hình như giống mình", "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" là một bài thơ như vậy.
Nguyễn Duy có giọng điệu thơ trữ tình đan xen triết luận. Đọc đoạn thơ "Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ... Mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng" người đọc cảm nhận sâu sắc công dưỡng dục, đức cù lao của người mẹ đối với con cả phần xác lẫn phần hồn, cả miếng cơm, manh áo đến lẽ sống tốt đẹp ở đời. Theo dòng chảy của thời gian chân lý này tồn tại vĩnh hằng: "Bà ru mẹ... Mẹ ru con" như một quy luật tự nhiên. Tuy nhiên nhà thơ cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng liệu những lời ru nuôi dưỡng tâm hồn ấy mai sau có bị mai một: "Liệu mai sau các con còn nhớ chăng". Sự băn khoan, lo lắng ấy hẳn là không phải không có lý do.
"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là những cảm xúc yêu thương cụ thể của người con đối với mẹ.
Những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ về người mẹ trong mỗi con người là nguồn sống cho những lý tưởng cao đẹp, những giá trị nhân văn giúp cho cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta phát triển.
TRƯƠNG TỬ KỲ
Đăng nhận xét